Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Mẹ Đã Ra Đi




Hôm nay ở quê nhà, anh em họ mạc giỗ 49 ngày của mẹ tôi. Nhưng tôi cứ thẩn thơ nghĩ mãi tự trách mình là đưá con chả ra gì? Bởi vì ngày giỗ mẹ, mà chẳng làm mâm cơm cúng bái gì theo tục lệ như ở Việt Nam. Chỉ gửi một số tiền về mai táng là xong thôi ư? Thực ra mẹ tôi sống đến 85 tuổi cũng là thượng thọ lắm rồi, chứ có phải chết non đâu mà nuối tiếc ân hận với đời?


Nhưng lòng tôi vẫn cứ áy náy mãi không yên, nên mới muốn chuộc lại lỗi lầm hương khói bằng cách làm một bài thơ và viết câu chuyện kể về cuộc đời của mẹ để tạ tấm lòng yêu thương công ơn, mẹ nuôi tôi vất vả và cũng muốn lưu lại hình bóng một thời của mẹ trên quán trọ trần gian giả tạm này.

Tôi không phải là một Phật Tử thuần thành, công giáo thì cũng chỉ là loại thoang thoảng hoa nhài. Vậy niềm tin cuả tôi là gì? Tôi cũng không chắc chắn lắm mà chỉ tạm nghĩ rằng: con người ta sinh ra mỗi người có một nguyên thần khí, được tồn tại ở các vùng không gian khác nhau.

Những người thiên chúagiáo, như công giáo, tin lành và đạo hồi tin có Đức Chúa trời, sau khi chết đi thì linh hồn dời thể xác và trở về trời dự tiệc với Chúa và các thần linh. Nghiã là linh hồn tồn tại bên trong thể xác và ai cũng chỉ được sinh ra có một lần và không hề có tái sinh, chết là hết. Một là anh được lên thiên đàng hai là thân xác anh thối rữa ra làm thức ăn cho giun dế, phân bón cho cỏ cây.

Còn Phật Giáo không tin có linh hồn nào cả, không có phần bên trong  ẩn náu, trường tồn nào của chúng sinh. Không có linh hồn nhưng sự tái sinh hay luân hồi vẫn sảy ra giống như một ngọn nến sắp tàn thì có người dùng ngọn nến mới châm tiếp…Cái đó gọi là sự liên hệ nhân duyên. Tôi ngẫm nghĩ cho rằng: Nguyên thần khí cuả mỗi người gọi là giác linh. Giác linh là tổng nghiệp của nhiều kiếp trôi nổi ngụp lặn trong 6 nẻo luân hồi. Sống kiếp này biết được kiếp trước mình làm gì và tiên đoán cho cả kiếp sau nữa. Người nghiệp lực quá nặng nề còn tham ái, sân, si hoặc nhiều tội lỗi thì giác linh không tiêu tan để sinh vào thế giới cực lạc, thế giới của trời, thậm chí không đưọc đầu thai làm người nữa, có khi  nghiệp lực dẫn đường đầu thai vào kiếp ngạ quỷ, súc sinh v.v... hoặc bị đày ải dưới chín tầng điạ ngục?

Tại sao ở Việt Nam có tục lệ giỗ 49 ngày? Như trong sách Phật hình như đã giải thích sau khi người ta chết kẻ thì được Phật Di Lạc và các vi La Hán đón rước đi thẳng ngay về thế giới tịnh độ, người thì bị vua Diêm Vương cho sai nha đón sẵn và giải về Diêm phủ luận công tôị, họ phải trải qua 7 phòng xét hỏi, mỗi phòng câu lưu là 7 ngày. Tổng cộng là 49 ngày chăng?Hay 49 ngày này giác linh người chết vẫn còn lưu luyến quang cảnh căn nhà mình đã từng sống và còn nhớ thương con cháu đưá khá đưá hèn mà không chịu tiêu tan? Nên con cháu họ mạc mới bảo nhau 49 ngày này 7 tuần liên tục cầu siêu, động viên linh hồn đầu thai, đừng lởn vởn nưã mà gặp quỷ sứ cuả Diêm Vương đến bắt?

Từ lâu lắm rồi, tôi còn bé lắm còn nhớ mang máng mẹ tôi là một cô thôn nữ sinh đẹp nhất làng. Nhà tôi là một mái nhà tranh chỉ có một gian và một cái bếp liền đó, mà ông tôi dựng cho hai mẹ con ra ở riêng, phiá sau nhà là một mảnh vườn tương đối rộng quanh năm chỉ thấy trồng miá, Gióng miá to bằng cổ tay màu tim tím hồng mẹ tôi bảo là miá Tư Hoà. Lúc thì lại thấy trồng giống miá phát triển nhanh như cỏ lau thì mẹ gọi là miá de chuyên để nấu mật và làm đường. Phiá trước nhà là 4 cây na, rất sai qủa  không biết trồng từ lúc nào; khi đã lẵm chẫm biết đi thì đã có nó ở đó rồi. Hiên nhà là một cây bưởi tôi hay nhặt hoa cùng với con bé Thu bên nhà hàng xóm nhặt để nấu nước hoa…

Lòng Mẹ Thương Con
 Nhân ngày giỗ 49 Ngày

Mẹ đi đã bốn chín ngày
Con nơi viễn xứ ngậm ngùi xót xa
Nhớ thương vót bút làm thơ
Nét chì phảng phất bao la cõi trời

Tám lăm trụ thế rã rời
Còn đâu bóng mẹ giữa đời trần ai
Nguyên thần thể khí xa xôi
Không gian vắng lạnh một thời trầm luân

Mẹ như chiếc lá trên ngàn
Tháng năm vò võ trăng tàn nắng mưa
Sương pha cát bụi dãi dầu
Nỗi niềm cố quốc úa màu cỏ phai

Bây chừ thần lạc chơi vơi
Tiêu tan trần tục biển khơi mịt mù
Hay vào thế giới Phật Đà
Quan Âm Bồ Tát cam lồ thảnh thơi

Con còn trụ thế nơi đây
Gian nan hoạn nạn mẹ ơi còn nhiều...
Phong trần bể khổ thương đau
Sân si ái dục âu sầu héo hon

Mênh mông như sóng nước cồn
Tình thương của mẹ bồn chồn lòng con
Hương lòng bay khắp núi non
Giác linh vời vợi tần ngần mây trôi...!

17.4.2011 Lu Hà




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét